Tài chính vi mô “phá vỡ rào cản” về vốn cho phân khúc khách hàng thu nhập thấp

18-11-2020

Theo số liệu từ Thời báo Ngân hàng phát hành tháng 4-2021, sau hơn một năm kể từ khi Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia được ban hành, hệ thống mạng lưới tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính tiếp tục được phát triển với 1.409 chi nhánh, phòng giao dịch được cấp phép thành lập mới trong năm 2020, nâng số lượng chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại/100.000 người dân trưởng thành lên 17 (nghĩa là cứ 100.000 người dân trưởng thành thì có 17 ngân hàng phục vụ).

Cán bộ tín dụng Tài chính vi mô Thanh Hóa chăm sóc khách hàng sau vay vốn.

Có thể nói, hệ thống ngân hàng đang nỗ lực từng bước mở rộng hoạt động hướng tới mục tiêu tài chính toàn diện quốc gia. Mặc dù vậy từ góc độ tiếp cận dịch vụ ngân hàng, Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ thâm nhập hoạt động ngân hàng trong dân cư thấp trong các quốc gia ASEAN. Đặc biệt là đối với nhóm dân cư có thu nhập thấp, hộ sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức vẫn còn nhiều “rào cản”. Một trong những giải pháp được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng nhằm “phá vỡ rào cản” về vốn cho phân khúc khách hàng thu nhập thấp là các tổ chức tài chính vi mô (TCVM).

TCVM là tổ chức chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính cho người nghèo, người có thu nhập thấp, hộ kinh doanh gia đình và các doanh nghiệp siêu nhỏ. Các dịch vụ chính bao gồm: Huy động tiền gửi (tiết kiệm bắt buộc, tiết kiệm tự nguyện), cho vay, thanh toán, chuyển tiền, bảo hiểm vi mô,... cùng với một số dịch vụ phi tài chính như: Đào tạo quản lý tài chính cá nhân, kiến thức kinh doanh, đào tạo và phổ biến các kiến thức liên quan đến sản xuất, nông nghiệp, dinh dưỡng, vệ sinh môi trường,...

Tại Thanh Hóa, Tổ chức TCVM Thanh Hóa hiện đang cung cấp sản phẩm dịch vụ cho 45.644 khách hàng, trong đó có 17.595 hộ tham gia vay vốn. Định hướng phát triển của tổ chức là hoạt động vì mục tiêu phát triển cộng đồng, do đó việc mở rộng hoạt động ra các huyện nông thôn, vùng ven biển và huyện miền núi luôn được chú trọng. Tỷ lệ khách hàng là phụ nữ của tổ chức duy trì ở mức trên 90% và tỷ lệ khách hàng dân tộc thiểu số trên 10%.

Hoạt động TCVM được đánh giá là có ý nghĩa xã hội sâu sắc và ngày càng lớn mạnh, giúp người nghèo có cơ hội tiếp cận và làm quen với các sản phẩm tài chính. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu tại TCVM Thanh Hóa là khá thấp (dưới 1%). Từ đó, TCVM Thanh Hóa đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống tài chính và là một trong những công cụ xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.

Thực tiễn cho thấy, với điều kiện vay vốn đơn giản, không cần tài sản thế chấp, cấp và nhận vốn ngay tại nơi người dân sinh sống, TCVM Thanh Hóa đã tạo nên một “đòn bẩy” hữu hiệu nhằm tăng cường sự tự tin của phụ nữ, thúc đẩy họ tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, thoát nghèo, từ đó khẳng định vai trò và vị thế trong gia đình và xã hội.

Nếu như trước đây, phụ nữ thường kém năng động hơn do có ít cơ hội tiếp cận với các nguồn tín dụng phi chính thức hơn nam giới, thì hiện tại các dịch vụ tài chính cho phép phụ nữ chủ động, nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu nhập, không chỉ giảm nghèo bền vững mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhằm nâng cao năng lực, hiểu biết trong cuộc sống.

Thực tế đã chứng minh, việc tham gia vào các chương trình tiết kiệm và tín dụng giúp trao quyền cho phụ nữ bằng cách tăng phần đóng góp của phụ nữ vào thu nhập của hộ gia đình. Tăng thu nhập cũng đồng nghĩa với việc trao cho phụ nữ nhiều quyền hơn trong gia đình, tăng nhận thức chính trị - xã hội, từ đó giúp họ có địa vị tốt hơn trong xã hội. Do đó, một trong những kết quả mà phụ nữ tham gia vào các chương trình TCVM là gia tăng lòng tự trọng và ý thức về giá trị của bản thân. Đặc biệt, thông qua TCVM Thanh Hóa góp phần “phá vỡ rào cản” về vốn cho phân khúc khách hàng thu nhập thấp, giúp họ vay vốn thuận lợi và thúc đẩy tăng tưởng cho đơn vị.