Vốn vay vi mô góp phần đẩy lùi tín dụng đen

29-08-2022

Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã liên tục gửi thông điệp khuyến cáo tới người dân về việc nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm lừa đảo thông qua các hình thức như: cho vay tín dụng lãi suất cao, nhắn tin yêu cầu người thân chuyển tiền và chiếm đoạt tài khoản trên mạng xã hội, hoạt động tín dụng đen, chơi hụi, chơi họ... Đối tượng bị nhắm tới thường là người không thường xuyên cập nhật thông tin, thiếu kiến thức, hoặc đang rất cần nguồn vốn để đầu tư, mua sắm.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các hộ thu nhập thấp không đạt yêu cầu để được tham gia vay vốn tại ngân hàng. Nhiều hộ sinh sống ở khu vực vùng sâu, vùng xa chưa có đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay chính thức. Bên cạnh đó, tâm lý e ngại do nhiều thủ tục, giấy tờ phức tạp, thời gian giải ngân chậm, phải đi lại xa để đến phòng giao dịch. Từ đó, tín dụng đen đã lợi dụng “lỗ hổng” để len lỏi vào trong cộng đồng, với ưu thế về “đơn giản hóa” thủ tục, giải ngân ngay lập tức.

Nhận thức rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn vay của người dân, tránh lâm vào tình trạng bắt buộc phải sử dụng tín dụng đen, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tài chính vi mô nhanh chóng triển khai sản phẩm vốn vay và tiết kiệm tới người dân. Đặc biệt là các hộ thu nhập thấp, hộ sinh sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi. Trong đó, đáng chú ý là các đối tượng nữ tiểu thương, doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh, với các thủ tục đơn giản, thuận tiện, hình thức vay nhỏ không yêu cầu thế chấp tài sản, thực hiện thu vốn, phát vốn ngay tại nhà văn hóa thôn.

Tại Thanh Hóa, từ năm 1998 Tổ chức Tài chính vi mô Thanh Hóa (TCVM TH) đã phối hợp với hội phụ nữ các cấp cung cấp vốn vay cho khách hàng. Đến nay, TCVM TH vẫn không ngừng mở rộng địa bàn thêm các xã mới tại các huyện Vĩnh Lộc, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Thạch Thành, thị xã Nghi Sơn... và “phủ sóng” hoạt động tại 19 huyện, thị xã trong tỉnh, cung cấp sản phẩm dịch vụ cho 40 nghìn khách hàng với tổng dư nợ lên đến 377,8 tỷ đồng. Trong đó, 90% khách hàng vay vốn là phụ nữ, 12% khách hàng là người dân tộc thiểu số.

Ngoài dịch vụ cung ứng sản phẩm vốn vay, TCVM TH còn hướng cho người dân có thói quen tiết kiệm, khuyến khích gửi tiết kiệm để thực hiện các mục tiêu lớn trong cuộc sống, cho tương lai. TCVM TH là đơn vị duy nhất hiện nay nhận gửi góp hàng tháng, với mức lãi suất tăng dần hàng năm. Khách hàng gửi tiết kiệm từ 1 năm trở lên có thể rút bất kỳ thời điểm nào mà không bị lãi suất về không kỳ hạn. Sản phẩm này đã góp phần lớn giúp những khách hàng có khoản thu nhập thấp hàng tháng vẫn có thể tham gia tiết kiệm với mức lãi suất ưu đãi và có một địa chỉ gửi tiền uy tín, bảo mật cao.

Trong nhiều năm qua, TCVM TH đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giúp cho người dân tiếp cận nguồn vốn hợp pháp. Đồng thời đáp ứng kịp thời các nhu cầu vay vốn hợp lý phục vụ sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực hơn vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là góp phần đẩy lùi tín dụng đen một cách hiệu quả trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

                                                                                                                                          Nguồn: Báo Thanh Hoá