Tổ chức Tài chính vi mô Thanh Hóa hướng tới tài chính toàn diện
Tài chính toàn diện (TCTD) là một trạng thái theo đó tất cả mọi người ở độ tuổi lao động có thể tiếp cận đầy đủ tới dịch vụ tín dụng, tiết kiệm, thanh toán và bảo hiểm từ các nhà cung cấp dịch vụ chính thống, với mức giá hợp lý theo cách thức thuận tiện cùng với sự tôn trọng khách hàng.
Năm 2013, Ngân hàng Thế giới đã công bố tầm nhìn toàn cầu về tiếp cận tài chính và khởi động sáng kiến Phổ cập tiếp cận tài chính đến năm 2020 (UFA2020). Tại Việt Nam, theo cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước năm 2017, chỉ có khoảng 31% số người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng, tỷ lệ này vẫn thấp so với các quốc gia trong khu vực như 81,6% ở Thái Lan và 85,3% ở Malaysia.
TCTCVM Thanh Hóa triển khai ứng dụng công nghệ số cho khách hàng nhanh chóng, thuận tiện
Việt Nam hiện mới chỉ dừng ở giai đoạn đầu là tập trung phát triển tài chính vi mô (TCVM) thông qua Đề án xây dựng và phát triển hệ thống TCVM tại Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định số 2195/QĐ-TTg. Theo đó Việt Nam xác định mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức TCVM an toàn, bền vững, hướng tới phục vụ người nghèo, người có thu nhập thấp, các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội.
Thực tế cho thấy, mặc dù các sản phẩm dịch vụ ngân hàng được cung cấp khá đầy đủ, đa dạng nhưng chỉ mới phổ biến ở thành thị mà thiếu nhiều ở nông thôn, miền núi. Nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vẫn khó tiếp cận đến dịch vụ ngân hàng chính thức. Chính vì vậy, vai trò của các tổ chức TCVM trong công cuộc thúc đẩy TCTD là rất lớn. Nếu ví TCTD như một ngọn núi cao cần sự chung tay góp sức của nhiều người, nhiều ngành, thì TCVM như những viên sỏi nhỏ tỉ mỉ, cần mẫn bồi đắp từng ngày lan tỏa, thúc đẩy công cuộc phổ cập TCTD tại Việt Nam, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Tại Thanh Hóa, Tổ chức Tài chính vi mô Thanh Hóa (TCVM TH) là một trong 3 tổ chức TCVM đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép trên toàn quốc. Trong những năm qua, TCVM TH đã chú trọng việc thực hiện sứ mệnh hoạt động vì mục tiêu phát triển cộng đồng, đặc biệt hướng tới việc đưa nguồn vốn về phục vụ các huyện vùng sâu, vùng xa, miền núi nhằm hỗ trợ bà con, đồng bào dân tộc thiểu số và thúc đẩy TCTD. Thay vì xây dựng những phòng giao dịch ở trung tâm các huyện, thị trấn như các ngân hàng, cán bộ TCVM TH mang nguồn vốn tới thu phát tại các nhà văn hóa thôn, tiếp cận người dân với thái độ gần gũi, thân thiện, thủ tục đơn giản, thuận tiện. TCVM TH đã tiếp cận được nhóm đối tượng không thể tiếp cận nguồn tín dụng khác. Bên cạnh việc cho vay và nhận tiết kiệm, cán bộ TCVM TH còn kết hợp tư vấn, tập huấn về quản lý tài chính, giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân về cách sử dụng đồng tiền hợp lý. Đồng thời, triển khai những biện pháp đồng bộ như: đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ tài chính; áp dụng văn hóa ứng xử 5 trách nhiệm, 7 nguyên tắc; tăng cường hợp tác với các đối tác có cùng mục tiêu; và đặc biệt là nâng cấp hệ thống thông tin, bắt nhịp với công nghệ fintech tại Việt Nam và thế giới.
Chị Bùi Thị Chín là người dân tộc thiểu số ở xã Thành Long (Thạch Thành). Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi, chị hầu như chỉ đi lại xung quanh thôn xã, làm công việc trồng trọt chăn nuôi giống như bố mẹ mình. Việc sử dụng dịch vụ tài chính của ngân hàng, hay các tổ chức tài chính chính thức lại càng quá xa vời. Thế nhưng 2 năm gần đây, nhờ được vay vốn tại Tổ chức TCVM TH, chị đã tăng gia sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống gia đình. Đó chính là một trong những điều tuyệt vời mà TCTD đã mang lại. Và nhiều ví dụ điển hình khác đã cho thấy, những người phụ nữ nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững, không chỉ đảm bảo cuộc sống cho gia đình mình, mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em khác tại địa phương.
Với những nỗ lực trong việc thúc đẩy TCTD, Tổ chức TCVM TH đã được Ngân hàng Nhà nước, Quỹ Citi Việt Nam, Nhóm công tác TCVM vinh danh là “Tổ chức TCVM tiêu biểu hướng tới TCTD”.