Tín dụng vùng cao mở hướng thoát nghèo
Đến các huyện vùng cao phía Tây của tỉnh, quãng đường đi lại xa xôi hàng trăm cây số, mưa nắng dãi dầm, song, những cán bộ của Tổ chức Tài chính vi mô Thanh Hóa (TCVM TH) vẫn ngày đêm miệt mài vượt qua những cung đường khó để mang nguồn vốn tới từng thôn bản nhỏ, chỉ với một mong muốn mở ra hướng thoát nghèo cho bà con nơi đây.
Có một nữ cán bộ TCVM kể rằng, chị sinh ra nơi phố thị những tưởng sẽ chẳng bao giờ biết đến vất vả là gì. Nhưng chính công việc thầm lặng này đã gắn bó chị với những bản làng vùng cao, với những đồng bào dân tộc thiểu số đang còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống hàng ngày. Mà bây giờ nhớ lại, chị vẫn thầm cảm ơn nghề nghiệp đã mang đến cho chị những trải nghiệm thú vị và ý nghĩa khi được góp phần nhỏ bé của mình vào sự đổi thay của quê hương. Còn nhớ những ngày đầu tiên bước chân lên huyện miền núi Cẩm Thủy với bao nhiêu khó khăn và bỡ ngỡ. Không còn những bộn bề xa hoa, hào nhoáng nhộn nhịp của phố xá mà thay vào đó là những bản làng, những đồi núi, người dân ở đây đa phần là dân tộc thiểu số, chân chất, thật thà, chưa quen vay vốn cũng như chưa được tiếp cận nhiều với các dịch vụ tài chính. Địa hình đồi núi phần lớn, đi lại khó khăn, hiểm trở, có những đoạn đường vào thôn bản phải đi từ cánh rừng này sang cánh rừng khác, đi vào trời sáng, đi ra trời đã tối. Vào mùa mưa bão, nước trên nguồn đổ về, có khi cô lập cả thôn xã, cán bộ TCVM TH vẫn phải xách cặp đi bộ, trèo đèo, lội suối mới vào được tận tới nhà khách hàng. Rồi cả những khách hàng yếu thế, hộ nghèo, cận nghèo, không biết viết, không biết chữ, cán bộ TCVM cũng phải hướng dẫn, tư vấn kỹ càng về cách vay, cách trả để họ có thể tiếp cận được nguồn vốn vay hiệu quả.
Thế nhưng trước tất cả những khó khăn vất vả đó, cùng với sự đồng tình, ủng hộ của chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của hội phụ nữ trên địa bàn đã giúp cho hoạt động của TCVM được mở rộng khắp trên toàn huyện. Bằng tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ, lòng tâm huyết với nghề, những cán bộ TCVM đã luôn cố gắng để vượt qua khó khăn, với mong muốn mang nguồn vốn tới thật nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn huyện Cẩm Thủy. Rất mừng là cho đến thời điểm hiện tại, sau 5 năm hoạt động tại vùng núi Cẩm Thủy, TCVM hiện đã cung cấp được hơn 2.500 vốn vay tới tay khách hàng, trong đó khách hàng là phụ nữ chiếm gần 90%, khách hàng là người dân tộc thiểu số chiếm hơn 50%. Nguồn vốn tín dụng TCVM đã đến được hầu hết thôn, bản của huyện Cẩm Thủy, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Một trong những khách hàng điển hình vượt lên hoàn cảnh, phát triển kinh tế hiệu quả để lại ấn tượng đối với những người làm công tác TCVM đó là chị Hoàng Thị Bích ở thôn Song Nga, xã Cẩm Ngọc. Từ những ngày đầu hai vợ chồng mới kết hôn chỉ có một căn nhà nhỏ, làm một ít ruộng để cấy lúa ăn. Biết đến TCVM TH thông qua buổi sinh hoạt phụ nữ tại thôn, chị Bích đã bàn với chồng vay 20 triệu đồng sửa sang chuồng trại, mua thêm con giống và thức ăn để chăn nuôi đàn gà, vịt. Lo toan cuộc sống hàng ngày rồi lại lo thêm khoản nợ hàng tháng của TCVM, anh chị quyết định xin đi làm công nhân ở công ty may cách nhà gần 20 km để có thu nhập ổn định hơn nhưng cuộc sống cũng không cải thiện được là bao. Với sự chịu thương, chịu khó cùng quyết tâm thay đổi cuộc sống, chị đã đấu mối với công ty may nơi anh chị làm việc để mở xưởng may nhỏ tại nhà. Trải qua các chu kỳ vay vốn hoàn trả tốt trước đó, chị đã được vay vốn doanh nghiệp siêu nhỏ của TCVM TH để đầu tư mua nguyên liệu đầu vào. Hiện tại xưởng may của chị đã đi vào hoạt động ổn định, góp phần nâng cao cuộc sống gia đình và còn tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em phụ nữ ở trong thôn, xã.
Thực hiện mục tiêu hoạt động vì phát triển cộng đồng, từ đầu năm 2022 đến nay, TCVM TH đã triển khai mở rộng địa bàn hoạt động tại nhiều xã thuộc các huyện miền núi của các huyện Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc. Điều này đã giúp tháo gỡ khó khăn về vốn cho các hộ thu nhập thấp nơi đây một cách kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh những hoạt động tài chính và phi tài chính, Tổ chức TCVM vẫn luôn tổ chức những hoạt động thường niên để tri ân, thăm hỏi động viên khách hàng, đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chị em phụ nữ yếu thế như: chương trình thắp sáng tương lai trao tặng sổ tiết kiệm cho con em khách hàng có thành tích học tập tốt; tri ân, thăm hỏi gia đình khách hàng chính sách có hoàn cảnh khó khăn nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7...
Với phương châm “gần gũi - thân thiện - hiệu quả” và thực hiện đúng theo “5 trách, 7 nguyên”, các cán bộ TCVM luôn hoạt động chuyên nghiệp vì mục đích cộng đồng, không vì mục đích lợi nhuận, tuân theo đạo đức nghề nghiệp, không phân biệt đối xử đối tượng khách hàng, với mong muốn đưa hoạt động của tổ chức TCVM ngày càng mở rộng hơn nữa trên khắp các địa bàn, nhất là đến với các huyện vùng cao xa xôi của tỉnh.
Nguồn: Báo Thanh Hoá