Theo chân Tổ chức TCVM Thanh Hoá trên hành trình giảm nghèo bền vững
Nắng xuân, khí xuân, sức xuân đã thổi bùng lên động lực, niềm tin mới. Bước sang năm mới Quý Mão 2023, Tổ chức Tài chính vi mô (TCVM) Thanh Hóa lại tiếp tục ghi dấu những bước chân, thiết lập những dấu mốc mới, nỗ lực khẳng định thương hiệu, giá trị trên hành trình giảm nghèo bền vững cùng quê hương, đất nước.
Xuân vừa là mùa của niềm tin, khát vọng, vừa dễ khiến lòng mỗi người chộn rộn nhớ về những dấu mốc đã đi qua trong cuộc đời. Có lẽ bởi vậy, câu chuyện giữa chúng tôi và Giám đốc Tổ chức TCVM Thanh Hóa - Chi nhánh Nông Cống Bùi Thị Quyên về hành trình gắn bó với nghề càng thêm thân tình, gần gũi.
TCVM là gì, là câu hỏi mà chị Quyên đã đặt ra cách đây 20 năm, từ những ngày mà rất nhiều người chưa có bất kỳ thông tin, hiểu biết gì về hoạt động tài chính còn rất mới mẻ và lạ lẫm này. Ngay cả khi đã được tuyển dụng vào vị trí cán bộ tín dụng của Tổ chức TCVM Thanh Hóa - Chi nhánh Nông Cống, chị vẫn canh cánh trong lòng những băn khoăn, tự hỏi: Cho những người nghèo, đặc biệt lại là phụ nữ nghèo vay vốn thì làm sao họ trả được nợ? Rồi số tiền vay ban đầu chưa tới 300 nghìn đồng thì khách hàng sẽ xoay sở như thế nào để tạo ra thu nhập, cải thiện cuộc sống của mình? Đường sá, phương tiện đi lại khi ấy rất khó khăn, địa bàn hoạt động chủ yếu là những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí thấp... Chị Quyên trải lòng: “Thực sự, khoảng thời gian ấy có những giây phút tôi cảm thấy khó khăn, áp lực, đã nghĩ đến việc sẽ từ bỏ để tìm kiếm một công việc khác. Tuy nhiên, vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu ấy, càng làm càng hiểu về tổ chức, hiểu cách thức, phương pháp và giá trị mà tổ chức mang lại, tôi đã tìm thấy hướng đi cho mình. Đặc biệt, khi chứng kiến, tôi càng cảm thấy yêu nghề, có thêm động lực, niềm tin gắn bó với tổ chức”.
Quãng thời gian 20 năm gắn bó với nghề, từ xuất phát điểm là cán bộ tín dụng, được sự quan tâm, tạo điều kiện của ban lãnh đạo và nỗ lực, phấn đấu của bản thân, chị Bùi Thị Quyên đã trở thành giám đốc một chi nhánh của Tổ chức TCVM Thanh Hóa. Chị tâm sự: “Mục tiêu và cũng là động lực lớn nhất đối với tôi hay bất kỳ một thành viên nào của Tổ chức TCVM Thanh Hóa đó là được đồng hành, chứng kiến sự thay đổi, tốt dần lên từng ngày trong cuộc sống của khách hàng khi được tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay hợp lý, hiệu quả”. Chị cho biết, nhiều khách hàng đã nghẹn ngào mà thủ thỉ: “Chúng tôi không nghĩ người nghèo không có tài sản thế chấp cũng có thể được tiếp cận với dịch vụ tài chính, được vay vốn để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Nguồn vốn vay nhỏ ấy đã trở thành điểm tựa cả về vật chất, tinh thần cho những người yếu thế tìm được chỗ đứng trong xã hội, quyết định tương lai của mình”. Có không ít khách hàng đã gắn bó với tổ chức suốt quãng thời gian dài 10 - 15 năm, mỗi lần gặp nhau lại hào hứng nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục vay đến khi nào không cho chúng tôi vay nữa thì mới thôi”...
Theo chị Quyên, những tình cảm mộc mạc, chân thành của khách hàng và sự lớn mạnh của Tổ chức TCVM Thanh Hóa đã và đang là động lực tiếp thêm sức mạnh, tình yêu với nghề nghiệp mà tôi đã và đang theo. Với chị, Tổ chức TCVM Thanh Hóa không chỉ cho chị một công việc ổn định để sống và cống hiến, mà hơn hết, đó là một công việc thật ý nghĩa, đóng góp giá trị bền vững cho xã hội. Đáp lại niềm tin, kỳ vọng ấy, trong thời gian tới chị mong rằng: Tổ chức TCVM Thanh Hóa tiếp tục nâng cao vốn điều lệ, nghiên cứu đa dạng sản phẩm tài chính và phi tài chính phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, mở rộng phát triển thêm nhiều địa bàn; áp dụng kỹ thuật số vào các hoạt động chuyên môn để nâng cao hiệu quả hoạt động...
Chị Trương Thị Thuỷ - Chi nhánh Hoằng Hoá tư vấn cho khách hàng vay vốn
Gắn bó với Tổ chức TCVM Thanh Hóa từ năm 2006, đến nay chị Trương Thị Thủy (43 tuổi, thành viên Tổ chức TCVM Thanh Hóa - Chi nhánh Hoằng Hóa) đã có kinh nghiệm 17 năm làm việc. Công việc tín dụng giúp chị được tiếp xúc với nhiều đối tượng, nhiều độ tuổi khác nhau. Phần lớn khách hàng là đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương, trình độ dân trí không đồng đều nên việc tiếp thu các kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính chưa cao... Chị đã quyết tâm vượt qua những rào cản, khó khăn ấy bằng sự chân thành, tận tâm, chăm chỉ.
Trong những năm qua, chị Thủy đã tiếp xúc và làm việc với nhiều khách hàng khác nhau nhưng có lẽ trường hợp của chị Lê Thị Hồng ở thôn Liên Minh, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa để lại nhiều ấn tượng, cảm xúc nhất. Chị Thủy cho biết: Chị Hồng sinh ra và lớn lên ở vùng ven biển, cuộc sống phụ thuộc vào việc đi biển của chồng con. Nguồn thu nhập rất bấp bênh, mùa mưa lũ có những tháng chồng con không đi biển được nên cuộc sống rất khó khăn. Trong một lần tham gia buổi tuyên truyền của cán bộ TCVM Thanh Hóa tại nhà văn hóa thôn về việc vay vốn và cách thức sử dụng nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập, chị Hồng mạnh dạn đăng ký vay hơn 3 triệu đồng, thời hạn vay 12 tháng để kinh doanh cá. Được sự tư vấn, đồng hành của cán bộ TCVM, cần mẫn của bản thân, công việc buôn bán nhỏ của chị Hồng thuận lợi, hết kỳ vay vốn lần đầu chị không chỉ trả hết được cả gốc và lãi vốn vay mà còn tiết kiệm được số tiền lo cho cuộc sống gia đình ổn định hơn. Sau nhiều lần vay vốn đầu tư chị Hồng ngày càng tự tin, mạnh dạn hơn.
Nguồn tích lũy ngày một tăng lên, kinh nghiệm làm ăn đã có, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu bổ sung dụng cụ đi biển trong xã ngày càng tăng, chị đã đổi phương thức kinh doanh sang việc buôn bán dụng cụ đánh bắt cá, đăng ký vay vốn lên mức 30 triệu đồng. Gia đình chị Hồng đã 15 năm vay vốn của Tổ chức TCVM Thanh Hóa, cuộc sống ngày càng ổn định, thu nhập tăng, tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên. Tháng 12-2022, tổ chức triển khai vốn vay dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ, gia đình chị đã đăng ký vay 100 triệu đồng tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế. Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, chị còn tư vấn thêm kinh nghiệm làm ăn cho nhiều phụ nữ trong xã. Câu chuyện của chị Lê Thị Hồng là bông hoa đẹp trên hành trình đồng hành cùng mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế của Tổ chức TCVM Thanh Hóa.
Xuyên suốt hành trình xây dựng và phát triển, Tổ chức TCVM Thanh Hóa đã nỗ lực vì sứ mệnh hỗ trợ vốn vay cho các hộ thu nhập thấp, hộ tiểu thương và doanh nghiệp siêu nhỏ. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các tiểu thương, TCVM Thanh Hóa đã có những chính sách hỗ trợ hiệu quả như cung cấp vốn vay trung và dài hạn không yêu cầu tài sản thế chấp. Đối với các tiểu thương đang sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, nguồn vốn này đã thực sự giúp các mô hình được mở rộng, phát triển bền vững. Không chỉ huy động các nguồn vốn trong nước, Tổ chức TCVM Thanh Hóa đã thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm đa dạng hóa nguồn cung nhằm tăng thêm nguồn lực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của khách hàng. Năm 2022, tổng dư nợ của Tổ chức TCVM Thanh Hóa đạt 430 tỷ đồng, số lượng khách hàng vay vốn là 19.000 người, trong đó có 92% là phụ nữ, 12% khách hàng là hộ nghèo và 10% khách hàng là người dân tộc thiểu số. Tổ chức hoạt động với 4 chi nhánh và 11 phòng giao dịch tại 19 huyện, thị xã trong tỉnh. Các chỉ số an toàn, bao gồm tỷ lệ thanh khoản và vốn tối thiểu nằm trong mức được Ngân hàng Nhà nước quy định.
Mỗi khách hàng khi đến với Tổ chức TCVM Thanh Hóa đều mang theo những câu chuyện, hoàn cảnh, nỗi niềm riêng. Ở đó có nhiều nỗi khó khăn, vất vả, nhưng cũng không thiếu nghị lực, niềm tin, ước mơ. Những kết quả đạt được của Tổ chức TCVM Thanh Hóa là minh chứng sinh động, câu trả lời thuyết phục về việc người nghèo cũng có ước mơ, cũng có nỗ lực và năng lực bước về phía tương lai. Điều quan trọng là giúp họ có điểm tựa vững vàng, quan tâm, tạo điều kiện, đồng hành, trao cho họ cơ hội bằng tất cả sự tận tâm, chân thành, chuyên nghiệp, trách nhiệm...
Nguồn: Báo Thanh Hoá