TCVM Thanh Hóa tăng cường hợp tác quốc tế mang nguồn vốn về cho phụ nữ thu nhập thấp
Theo cơ sở dữ liệu của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, năm 2017, chỉ có khoảng 31% số người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng, tỷ lệ này vẫn thấp so với các quốc gia trong khu vực như 81,6% ở Thái Lan và 85,3% ở Malaysia. Chính vì vậy, đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam theo Quyết định số 2195/QĐ-TTg ngày 6/12/201 đã xác định mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức tài chính vi mô (TCVM) an toàn, bền vững, hướng tới phục vụ hộ nghèo, hộ thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ, là mục tiêu quan trọng, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó đặc biệt chú trọng việc huy động nguồn vốn quốc tế nhằm hỗ trợ khách hàng một cách hiệu quả.
Tại Thanh Hóa, Tổ chức TCVM Thanh Hóa là một trong 3 tổ chức TCVM đầu tiên được Ngân hàng nhà nước cấp phép hoạt động trong cả nước. Tổ chức hiện đang cung cấp vốn vay cho hơn 20 nghìn khách hàng, chủ yếu là phụ nữ nghèo và thu nhập thấp sinh sống tại nông thôn, vùng sâu vùng xa, miền núi. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 11 bởi tổ chức JICA (Nhật Bản), có 98.8% khách hàng hài lòng về cách thức hoàn trả, 100% khách hàng hài lòng về địa điểm thu phát vốn và thái độ của cán bộ TCVM TH. Hiện nay, ngày càng có nhiều chị em mong muốn được tham gia vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Để đáp ứng được nhu cầu khách hàng, TCVM TH đã luôn chú trọng việc thúc đẩy hợp tác với các tổ chức nước ngoài có cùng chung sứ mệnh hoạt động vì mục tiêu phát triển cộng đồng thông qua các dịch vụ tài chính như Kiva, Babyloan, JICA, Lenwithcare, Oiko credit nhằm đa dạng nguồn vốn, phát triển quan hệ quốc tế và nâng cao năng lực tổ chức.
Ngay từ khi chương trình TCVM bắt đầu hoạt động tại Thanh Hóa vào năm 1998, chương trình được triển khai bởi Tổ chức cứu trợ trẻ em Mỹ (Save the children US). Nhận thấy sự hiệu quả trong phương thức hoạt động của chương trình, trong các năm tiếp theo đã có thêm nhiều tổ chức uy tín tham gia tài trợ, hợp tác :
Từ năm 2008, TCVM Thanh Hóa đã hợp tác với tổ chức Kiva (Mỹ) nhằm huy động nguồn vốn quốc tế cho các hộ thu nhập thấp, hộ kinh doanh tham gia vay vốn. Kiva là một tổ chức tài chính quốc tế có trụ sợ tại Mỹ, thực hiện mục tiêu hỗ trợ các hộ thu nhập thấp phát triển bằng cách huy động vốn từ các nhà tài trợ cá nhân trên khắp thế giới. Hiện nay, Kiva đang hoạt động trên 80 quốc gia, với số lượng nhà tài trợ lên đến 2 triệu người. Đến nay, việc hợp tác của TCVM Thanh Hóa và Kiva đã giúp cung cấp số khoản vay lên đến hơn 20 000 khoản, với tổng số tiền là 21,5 triệu USD. Hàng năm, Kiva đều cử cán bộ sang thăm và hỗ trợ Tài chính vi mô Thanh Hóa nâng cao năng lực, thăm khách hàng và tìm kiếm giải pháp phát triển các sản phẩm vốn vay an sinh xã hội. Bên cạnh việc hợp tác với tổ chức Kiva, TCVM Thanh Hóa còn kết nối với các tổ chức khác như Babyloan, Lendwithcare, BNP,… Số dư vốn vay tính đến cuối tháng 4 năm 2022 là 42 tỷ đồng. Với nguồn vốn đã huy động được, TCVM Thanh Hóa tập trung giải ngân cho đối tượng là hộ kinh doanh, tiêu thương, doanh nghiệp siêu nhỏ, đặc biệt chú trọng hỗ trợ các đối tượng sinh sống tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa.
Bên cạnh hoạt động hợp tác huy động vốn, Tài chính vi mô TH còn tập trung cho mục tiêu thúc đẩy tài chính toàn diện. Cụ thể là dự án hợp tác với tổ chức JICA. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là cơ quan duy nhất thực hiện viện trợ ODA của Chính phủ Nhật Bản thông qua 3 hình thức hợp tác: Hợp tác kỹ thuật, Hợp tác vốn vay và Viện trợ không hoàn lại. Cơ quan này có mục tiêu góp phần phát triển kinh tế xã hội ở các nước đang phát triển, tăng cường hợp tác quốc tế của Nhật Bản. Để đạt mục tiêu này, JICA thực hiện thông qua việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của Nhật Bản với các nước đang phát triển.
Kể từ tháng 1 năm 2019, Tài chính vi mô TH đã hợp tác với JICA trong dự án "Thúc đẩy Tài chính toàn diện đáp ứng giới". Trong khuôn khổ dự án, JICA triển khai hoạt động đào tạo cho các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính (như các tổ chức tài chính vi mô chính thức, các chương trình tài chính vi mô, các ngân hàng thương mại…) những kiến thức cơ bản về tài chính toàn diện đáp ứng giới và các thực hành tốt từ các nước khác. Đồng thời, dự án sẽ hỗ trợ một số đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính phát triển các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu đa dạng tại các giai đoạn khác nhau trong cuộc sống của người phụ nữ. Các bài học và kinh nghiệm thực tiễn thu được từ dự án sẽ được chia sẻ với các nhà hoạch định chính sách Việt Nam phục vụ công tác xây dựng chính sách thúc đẩy tài chính toàn diện.
Sau 1 năm triển khai, JICA đã hỗ trợ Tài chính vi mô TH thực hiện các cuộc khảo sát về sự hài lòng của khách hàng, khảo sát khách hàng thôi tham gia nhằm đưa ra các giải pháp cải thiện sản phẩm vốn có, xây dựng sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu của các chị em phụ nữ làm kinh tế tại khu vực nông thôn, miền biển và miền núi. Dự án còn tổ chức chuyến tham quan học hỏi kinh nghiệm hữu ích cho các tổ chức, các quỹ tại Việt Nam được tiếp cận trực tiếp với công nghệ tài chính của các tổ chức uy tín nhất tại Columbia. Chuyến đi thực sự đã giúp cán bộ Tài chính vi mô được mở rộng tầm nhìn, tạo cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch chiến lược để phát triển tổ chức ngày càng lớn mạnh, hòa nhập với xu hướng quốc tế, nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn cho khách hàng thu nhập thấp và phụ nữ nghèo trong cả nước.