Phát triển kinh tế bền vững nhờ nguồn vốn vi mô

20-12-2022

Thực tiễn cho thấy, với điều kiện vay vốn đơn giản, không cần tài sản thế chấp, cấp và nhận vốn ngay tại nơi người dân sinh sống, Tổ chức Tài chính vi mô (TCVM) Thanh Hóa đã tạo nên một “đòn bẩy” hữu hiệu nhằm tăng cường sự tự tin của phụ nữ, thúc đẩy họ tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, thoát nghèo, từ đó khẳng định vai trò và vị thế trong gia đình và xã hội.

        Nhờ vốn vay vi mô, chị Trương Thị Nương, thôn Hợp Tân, xã Hoằng Phụ đã phát triển nghề làm mắm hiệu quả

Chị Trương Thị Nương, ở thôn Hợp Tân, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) là một trong nhiều khách hàng vay vốn tiêu biểu của TCVM Thanh Hóa. Chị bồi hồi kể lại cho chúng tôi nghe, ngay từ khi quỹ vay vốn của TCVM Thanh Hóa bắt đầu đóng chân trên địa bàn huyện từ năm 2000, thì năm 2001 chị đã tham gia vay với số vốn khi ấy chỉ 285.000 đồng. Ngày ấy, gia đình chị rất nghèo, không có tài sản thế chấp nên không thể vay vốn tại các ngân hàng. Điều kiện vay vốn tại các ngân hàng lại cao và hồ sơ vay vốn cũng phức tạp, nên chị đã lựa chọn cách tham gia vay tại TCVM Thanh Hóa.

“Vay vi mô thủ tục đơn giản, không phải đi xa, cán bộ về thu vốn phát vốn ngay tại thôn rất thuận tiện. Vay vốn vi mô lại được trả dần hàng tháng, hết kỳ hạn là cũng hoàn trả hết vốn rất nhẹ nhàng” - Chị Nương cho biết.

Từ đó cứ mỗi lần hoàn trả xong chị lại vay tiếp, đến nay chị đã vay vốn TCVM Thanh Hóa được hơn 20 năm. Hiện nay, chị đang vay vốn tại TCVM Thanh Hóa với mức vay 100 triệu đồng để đầu tư mua cá về làm mắm bán cho bà con trong thôn, xã. Nhờ có nguồn vốn vay vi mô tuy nhỏ thôi nhưng đã làm thay đổi lớn cuộc đời chị. Kinh tế gia đình chị từng bước phát triển theo chiều hướng đi lên và thoát nghèo một cách bền vững. Từ ngôi nhà cấp bốn đơn sơ, tạm bợ, chị đã xây được căn nhà kiên cố, khang trang trên mảnh đất của chính mình.

Với phương châm làm việc “gần gũi, thân thiện, hiệu quả”, những năm qua, các cán bộ TCVM Thanh Hóa đã không quản đường sá xa xôi, mang từng đồng vốn vi mô quý giá đến tận các hộ phụ nữ nghèo, hộ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn để giúp họ vượt qua muôn vàn gian khó, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. TCVM Thanh Hóa đã mở rộng địa bàn hoạt động ở nhiều khu vực, vùng miền trong tỉnh, trong đó, TCVM Thanh Hóa bắt đầu hoạt động tại địa bàn huyện Hoằng Hóa kể từ năm 2000, tại 14 xã, 62 thôn. Tính đến hết tháng 10-2022, số lượng khách hàng đang tham gia vay vốn tại huyện là 1.204 người, tổng dư nợ 29,7 tỷ đồng.

Qua câu chuyện của khách hàng đã phần nào giúp hiểu thêm về công việc thầm lặng mà ý nghĩa, cũng như sự hy sinh, nỗ lực không ngừng nghỉ, không biết mệt mỏi của các cán bộ TCVM Thanh Hóa. Qua đó giúp cho những phụ nữ yếu thế trở nên mạnh mẽ, có niềm tin hơn vào cuộc sống và quan trọng hơn là làm thay đổi chính cuộc đời họ. Đó cũng là sự đóng góp cao cả, đầy nhân văn, ý nghĩa của TCVM Thanh Hóa cần được lan tỏa trong xã hội khi đặt mục tiêu hoạt động trước hết, trước tiên và cuối cùng đều vì cộng đồng. Trong đó dấu ấn rõ nét nhất mà tổ chức TCVM Thanh Hóa đã mang lại là gieo hy vọng, niềm tin và chắp cánh cho những ước mơ của nhiều phụ nữ yếu thế bay cao, bay xa và dần trở thành hiện thực.

                                                                                                                                                     Nguồn: Báo Thanh Hoá