Người phụ nữ vùng cao thoát nghèo bền vững nhờ vố vay vi mô
Chúng tôi đến thăm chị Trần Thị Bé, ở xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) vào một buổi chiều, khi chị đang lúi húi quét dọn khu chuồng trại chăn nuôi của gia đình. Nhìn dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn với nụ cười tươi, không ai biết gia đình chị đã từng trải qua khoảng thời gian vô cùng khó khăn, vất vả.
Ngày mới lập gia đình, hai vợ chồng chị Bé bắt đầu cuộc sống riêng với hai bàn tay trắng, không nghề nghiệp, không có của cải gì. Ở nơi vùng cao hẻo lánh này, để tìm được một công việc phù hợp không phải chuyện dễ. Rồi sau đó, hai đứa con lần lượt ra đời, anh chị lại càng trăn trở nhiều hơn, làm thế nào để có nguồn thu nhập ổn định, làm thế nào để các con mình có cuộc sống tốt hơn? Ý tưởng thì có rất nhiều, nhưng vì không có vốn nên anh chị không thể làm được gì. Khi ấy, chồng chị Bé đành phải đi xuất khẩu lao động. Chị ở nhà xin việc trong một công ty may kiếm thêm thu nhập nuôi con. Thế nhưng nguồn thu từ công việc này không đủ trang trải và lại chiếm rất nhiều thời gian. Chị quyết tâm nghỉ việc ở công ty may để đầu tư chăn nuôi lợn.
Ban đầu, chị chỉ chăn nuôi nhỏ để lấy kinh nghiệm trước, sau đó mở rộng quy mô thành trang trại. Năm 2018, trong lúc đang loay hoay tìm kiếm nguồn vốn để mở rộng trang trại và phát triển thêm công việc kinh doanh thức ăn chăn nuôi, chị Bé đã được biết đến Tổ chức Tài chính vi mô Thanh Hóa (TCVM TH) thông qua cán bộ hội phụ nữ xã. Lần đầu tiên, chị mạnh dạn vay 30 triệu đồng để đầu tư vào chuồng trại, thức ăn gia súc. Chị vui vẻ nói: “Bản thân tôi đã suy nghĩ rất kỹ trước khi vay và chuẩn bị sẵn nguồn thu từ việc bán lợn để hoàn trả vốn. Tôi cũng rất tin tưởng vào TCVM TH, vì đây là nguồn vốn được giới thiệu từ chính quyền địa phương, vốn vay không yêu cầu tài sản thế chấp. Cán bộ tín dụng lại thân thiện, gần gũi, về tận nhà làm hồ sơ vay và hàng tháng đến thu vốn tại nhà văn hóa thôn, nên tôi không phải đi lên phòng giao dịch. Điều đó khiến tôi rất hài lòng và muốn vay nhiều hơn nữa để đạt được thành công của mình”.
Đến nay, chị Bé đang chuẩn bị vay vốn lần 3 để đầu tư vào công việc mới là nuôi cầy hương. Đây là loài vật nuôi có giá trị kinh tế, đòi hỏi việc xây dựng chuồng trại và cách chăm sóc phải đúng quy trình. Chị đã tìm hiểu rất kỹ từ nguồn cung cấp con giống, phương pháp nuôi và đảm bảo đầu vào, đầu ra sản phẩm. Nguồn khích lệ đối với chị Bé là đã được cán bộ TCVM TH nhiệt tình ủng hộ, đồng hành, tiếp sức cho chị một cách thiết thực bằng vốn vay không thế chấp dành cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ trị giá 100 triệu đồng. Nhờ đó, chị đã mở rộng quy mô, đối tượng chăn nuôi, thuê thêm lao động để tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương. Sau một thời gian nỗ lực phát triển, gia đình chị Bé đã có kinh tế khá giả, cuộc sống ổn định, nhà xây kiên cố, con cái được học hành đầy đủ.
Nguồn: Báo Thanh Hóa