Hợp tác quốc tế mang vốn vay cho các hộ kinh doanh
Trong những tháng đầu năm 2022, nền kinh tế nước ta bắt đầu phục hồi nhanh chóng với nhiều kết quả tích cực. Cơ chế, chính sách về tín dụng và hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh ngày một kiện toàn, tạo điều kiện thuận lợi, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh vẫn còn nhiều vướng mắc trong tiếp cận vốn, nhất là nguồn vốn tín dụng. Bên cạnh đó, độ bao phủ của các điểm cung cấp dịch vụ còn mỏng và thiếu ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Tổ chức Tài chính vi mô Thanh Hóa tăng cường hợp tác quốc tế, góp phần mang lại nguồn vốn vay cho doanh nghiệp.
Tại Thanh Hóa, một trong những đơn vị chú trọng việc hỗ trợ tín dụng cho hộ thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh hiệu quả nhất hiện nay là Tổ chức Tài chính vi mô (TCVM) Thanh Hóa. Không chỉ huy động các nguồn vốn trong nước, TCVM Thanh Hóa còn thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm đa dạng hóa nguồn cung, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển như: Mỹ, Pháp, Anh, Nhật Bản và các tập đoàn tài chính toàn cầu như: ADB, IFC, BNP...
Từ năm 2008, TCVM Thanh Hóa đã hợp tác với Tổ chức Kiva nhằm huy động nguồn vốn quốc tế cho các hộ thu nhập thấp, hộ kinh doanh tham gia vay vốn. Kiva là một tổ chức tài chính quốc tế có trụ sở tại Mỹ, thực hiện mục tiêu hỗ trợ các hộ thu nhập thấp phát triển bằng cách huy động vốn từ các nhà tài trợ cá nhân trên khắp thế giới. Hiện nay, Kiva đang hoạt động trên 80 quốc gia, với số lượng nhà tài trợ lên đến 2 triệu người. Đến nay, việc hợp tác của TCVM Thanh Hóa và Kiva đã giúp cung cấp số khoản vay lên đến hơn 20.000 khoản, với tổng số tiền là 21,5 triệu USD. Hàng năm, Kiva đều cử cán bộ sang thăm và hỗ trợ TCVM Thanh Hóa nâng cao năng lực, thăm khách hàng và tìm kiếm giải pháp phát triển các sản phẩm vốn vay an sinh xã hội.
Bên cạnh việc hợp tác với Tổ chức Kiva, TCVM Thanh Hóa còn kết nối với các tổ chức khác như: Babyloan, Lendwithcare, BNP... Số dư vốn vay tính đến cuối tháng 4-2022 là 42 tỷ đồng. Với nguồn vốn đã huy động được, TCVM Thanh Hóa đã tập trung giải ngân cho các đối tượng là hộ kinh doanh, tiểu thương, doanh nghiệp siêu nhỏ, đặc biệt chú trọng hỗ trợ các đối tượng sinh sống tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Ngoài hoạt động hợp tác huy động vốn, TCVM Thanh Hóa còn tập trung cho mục tiêu thúc đẩy tài chính toàn diện. Cụ thể là dự án hợp tác với các tổ chức Care Ignite, Wise,... với mục tiêu nâng cao năng lực cho các nữ doanh nhân, thông qua các khóa tập huấn kiến thức, hỗ trợ học bổng và tư vấn chuyên sâu cho các doanh nghiệp siêu nhỏ. Năm 2019, TCVM Thanh Hóa đã hợp tác với JICA trong Dự án “Thúc đẩy tài chính toàn diện đáp ứng giới”. Trong khuôn khổ dự án, JICA triển khai hoạt động đào tạo cho các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính (như các tổ chức TCVM chính thức, các chương trình TCVM, các ngân hàng thương mại...) những kiến thức cơ bản về tài chính toàn diện đáp ứng giới và các thực hành tốt từ các nước khác. Đồng thời, dự án hỗ trợ một số đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính phát triển các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu đa dạng tại các giai đoạn khác nhau trong cuộc sống của người phụ nữ. Các bài học và kinh nghiệm thực tiễn thu được từ dự án sẽ được chia sẻ với các nhà hoạch định chính sách Việt Nam, phục vụ công tác xây dựng chính sách thúc đẩy tài chính toàn diện.
Năm 2020, TCVM Thanh Hóa kết nối với tổ chức Wise cung cấp ứng dụng học kinh doanh online và triển khai cho 1.000 nữ khách hàng, nhằm nâng cao kiến thức cho các hộ có hoạt động kinh doanh nhỏ. Đồng thời thực hiện tập huấn online 6 tuần cho các doanh nghiệp nhỏ do doanh nhân nữ làm chủ. Khóa học thực sự bổ ích đã cung cấp kiến thức nền tảng, bổ sung kiến thức tài chính, truyền thông và định vị thương hiệu cho những doanh nhân nữ đang khởi nghiệp.
Năm 2021, nhằm mục tiêu hỗ trợ các nữ doanh nhân khởi nghiệp tại Thanh Hóa có đầy đủ năng lực, kiến thức để vận hành công việc, TCVM Thanh Hóa đã hợp tác với các tổ chức CARE và WISE tổ chức lớp tập huấn “Nữ doanh nhân nâng cao năng lực để phát triển doanh nghiệp bền vững”. Lớp tập huấn diễn ra tại huyện Cẩm Thủy, với sự tham gia tích cực của gần 40 học viên là nữ chủ doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể và chủ nhiệm các HTX. Nội dung khóa học chủ yếu tập trung vào kiến thức quản lý tài chính và marketing cho doanh nghiệp như: Cân đối thu chi, tính toán lợi nhuận, tính điểm hòa vốn, truyền thông sản phẩm, các phương thức truyền thông số... Khóa học tiếp tục được TCVM Thanh Hóa tổ chức tại các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc và nhân rộng mô hình này ở 20 địa bàn mà TCVM Thanh Hóa đang hoạt động.
Những chương trình hợp tác quốc tế kể trên đã và đang góp phần mang lại nguồn vốn vay hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp nói riêng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại Thanh Hóa nói chung.
Nguồn: Báo Thanh Hóa